Những trăn trở của các doanh nhân Việt yêu nước đầu thập kỷ 2000 là khởi đầu cho sự phát triển đột phá về du lịch và kinh tế hiện tại của nhiều địa phương.
Đầu những năm 2000, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group, mời đối tác nước ngoài về Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư. Để chuẩn bị cho chuyến đi, các đối tác của họ chất đầy thịt hộp vào vali.
“Không cần đâu, ở Việt Nam không thiếu gì của ngon vật lạ các anh chưa được ăn bao giờ”, phe Việt Nam thuyết phục. Nhưng không thành. Đối tác ngoại vẫn quyết tâm nhét đầy thịt hộp vào hành lý để chuẩn bị cho chuyến thăm đất nước ở “thế giới thứ ba”. Những người Việt tự ái, nhưng phải chấp nhận, vì Việt Nam lúc ấy chỉ là một cái tên mờ nhạt trên bản đồ du lịch thế giới. Kỷ niệm đó trở thành sự day dứt.
Hạ Long, cuối thập kỷ 90
Mùa hè năm 1995, Bến xe khách Bãi Cháy đón bạn qua cửa sổ kính những chiếc PAZ của Liên Xô. Chiếc xe màu cam trắng huyền thoại – hay được gọi là “xe Hải Âu” – khi đó là phương tiện chủ yếu của ngành du lịch Việt Nam. Trước mắt, một nền du lịch đang bùng nổ, theo cách của thập kỷ 90.
Hai năm trước đó, UNESCO vừa công nhận vịnh Hạ Long là Di sản Thiên nhiên thế giới. Trong mùa hè năm 1996, có những ngày chính quyền Hạ Long cấp phép hoạt động cho 6 khách sạn. Hầu hết chúng là những căn nhà phố bốn tầng mới xây ở khu Vườn Đào, ban công có nan sắt uốn và mặt tiền đá rửa tân thời. Mỗi khách sạn như thế có quy mô 6-7 phòng. Ngoài bờ cát, một doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư một chuỗi motor nước – thú giải trí chưa từng có.
Phía trên triền đồi, lác đác vài nhà khách của khối cơ quan công, chủ yếu là đất trống, dự án khách sạn lớn nhất Hạ Long vừa được cấp phép xây dựng. Sài Gòn Hạ Long Hotel 15 tầng sẽ trở thành khách sạn cao nhất và nhiều phòng nhất của vùng biển này, cho đến tận đầu những năm 2000. Những người Việt Nam sinh trong quãng thập kỷ 90 đổ về trước vẫn nhớ khung cảnh những căn phòng của khối nhà khách cơ quan công, với hai chiếc giường trải ga trắng, tủ đứng bằng gỗ, sofa và ấm pha chè. Và tất nhiên, cả những tấm ảnh “Kỷ niệm Hạ Long mùa Hè 1996”.
Chuyến tham quan vịnh sẽ diễn ra trong ngày, trên những thuyền gỗ của bà con. Một số đảo trên vịnh chưa có hạ tầng, người dân đang lập nên các điểm du lịch tự phát, tự thu phí để kiếm thêm chút tiền. Trên boong tàu ra vịnh, thường có một hình ảnh quen thuộc của ngành du lịch Việt Nam thập kỷ 90: túi nylon đựng bánh mì không và giò chả. Thực đơn chính yếu của ngành du lịch biển Việt Nam thế kỷ 20, người đi chơi tự trang bị. Rất nhiều bánh mì không.
Cả năm 1996, Hạ Long đón 236.000 lượt khách. Tổng thu phí tham quan mà ban quản lý vịnh ghi nhận là 1,2 tỷ đồng. Nghĩa là, họ thu được năm nghìn đồng mỗi đầu khách tham quan vịnh.
Khung cảnh thay đổi rất nhanh. Nhưng chúng không thay đổi một cách tự nhiên, mà bằng quyết tâm của nhiều bên liên quan.
Hạ Long, năm 2022
Premier Village Ha Long Bay Resort được World Travel Awards (WTA) vinh danh “Khu nghỉ dưỡng dành cho gia đình hàng đầu Châu Á 2022”. Đây là năm thứ ba liên tiếp khu này được giải Oscar của ngành du lịch tôn vinh. Hai năm trước, họ đoạt giải Khu nghỉ dưỡng mới hàng đầu châu Á và Khu nghỉ dưỡng gia đình hàng đầu Việt Nam.
Nơi mà hơn hai mươi năm trước có vài chiếc motor lướt sóng cũ được mua bởi “vốn đầu tư nước ngoài”, giờ là bến du thuyền quốc tế. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long ba năm liên tiếp nhận giải Cảng tàu khách hàng đầu châu Á. Và nó được xây dựng bởi một công ty Việt Nam, Sun Group.
Từ con số 1,1 tỷ đồng tiền thu phí tham quan của năm 1996, Quảng Ninh tiệm cận con số 1 tỷ USD tổng doanh thu từ du lịch trong năm 2022. Sẽ khập khiễng nếu so các con số doanh thu của năm 1996 với năm 2022. Nhưng trong cuộc tăng trưởng đó, có một con số luôn có ý nghĩa: đó là số lượng người Việt Nam và bạn bè quốc tế, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long và có một kỳ nghỉ giá trị ở nơi này.
9 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh đã đạt 6 triệu lượt.
“Du lịch làm chúng ta khiêm nhường. Ta nhận ra cái khoảnh mình vẫn chiếm giữ trên hành tinh này nhỏ bé đến thế nào”, Gustave Flaubert viết.
Việt Nam sở hữu những khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, mà Di sản Thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long là một ví dụ về những khung cảnh mà nhân loại khao khát ngắm nhìn. Và câu hỏi đặt ra thời điểm này: Có cách nào người ta có thể tận hưởng chúng mà không phải mang bánh mì và giò chả?
Đó là câu hỏi dày vò các doanh nhân Việt Nam trong những năm 2000. “Chúng tôi đến Đảo Síp. Khung cảnh chẳng có gì. Bờ biển của họ còn không có cả cát, chỉ có sỏi. Không thể nào bằng Việt Nam quê mình được. Nhưng họ lấy mình rất nhiều tiền”, ông Đặng Minh Trường, Chủ tịch HĐQT Sun Group nhớ lại. Đó là năm 2001, chuyến đi du lịch đầu tiên của chàng thanh niên gốc Việt ra khỏi lãnh thổ Liên Xô cũ sau gần hai thập niên định cư. Cảm giác chung là thất vọng.
Điều đó thôi thúc các nhà sáng lập Sun Group trở về Việt Nam đầu tư cho du lịch. Hay nói cách khác, “làm đẹp những vùng đất” theo tuyên ngôn của Sun Group.
Ngày nay, từ trên Vòng quay Mặt trời và cáp treo Nữ hoàng của Sun World Ha Long, hàng triệu người nhìn ngắm Vịnh Di sản từ trên cao – khung cảnh mà một thập kỷ trước, họ chỉ được nhìn thấy trên tivi.
Du khách bây giờ không đến, lên thuyền đi ngắm đảo, ăn vài bữa đơn giản rồi ra về như cách đây hơn mười năm. Với hạ tầng mới, có vô vàn cách để người ta tìm thấy niềm vui bên bờ Vịnh.
Trung bình, cứ 5 người đến Quảng Ninh thì một người sẽ tới Sun World Ha Long và trải nghiệm Cáp treo Nữ hoàng, vườn Nhật, công viên nước, công viên chủ đề với các trò chơi mạo hiểm.
Hạ tầng lưu trú 5 sao, các nhà hàng tiện nghi với thực đơn từ nhiều nền văn hóa, công viên giải trí bên bờ biển, thích ứng với một mức sống mới và mong muốn tái tạo sức lao động của nền kinh tế đang đặt mục tiêu vào top 20 toàn cầu. Các hạ tầng này cũng giúp Việt Nam tự hào khoe vẻ đẹp với du khách quốc tế và thu ngoại tệ.
Việt Nam từ góc khác
Các đại văn hào như Marcel Proust, Gustave Flaubert hay Henry Miller đồng thuận ở một điểm: những chuyến đi không phải là để ngắm khung cảnh khác lạ, mà là để mỗi người có một con mắt khác nhìn cuộc đời.
15 năm trước, những người lái xe du lịch lên đỉnh Bà Nà thỉnh thoảng buộc phải quay về giữa chừng. Du khách cảm thấy sợ khi phải đi lên con đèo này và không muốn đi tiếp nữa. Họ sẽ dành nửa ngày cho một hành trình lên đỉnh núi, với 70% thời gian là đi và về – hai tiếng đồng hồ cho mỗi chiều. Giữa đó là sự “tận hưởng” một vài dịch vụ ăn uống sơ sài trên đỉnh núi. Không ai dám đầu tư lên đỉnh núi này. Không chỉ bởi lượng khách, giao thông hiểm trở, mà còn bởi thời tiết khắc nghiệt và chỉ có thể kinh doanh theo mùa.
Quyết tâm của Đà Nẵng và Sun Group đã tạo nên một biểu tượng du lịch mới cho Việt Nam trên đỉnh Bà Nà. Một công viên khiến ngay cả Hiệp hội Công viên giải trí thế giới cũng kinh ngạc vì người Việt có thể làm được.
7 năm trước, việc nhìn thấy mây trắng trên nóc nhà Đông Dương Fansipan là đặc quyền của những người có sức khỏe tốt. Ngày nay, những người đi xe lăn, những bạn nhỏ và cả những bậc lão niên đã dành cả đời làm lụng trên những cánh đồng đồng bằng Sông Cửu Long – chưa một lần leo núi hay chạm vào mây – cũng có thể đứng trên đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Hàng triệu người thăm đỉnh Fansipan mỗi năm mà không chạm vào cánh rừng Hoàng Liên phía dưới, thông qua hệ thống cáp treo của Sun World Fansipan Legend.
5 năm trước, cách duy nhất để du khách chiêm ngưỡng vịnh An Thới – một trong những quần đảo có rạn san hô rộng nhất Việt Nam ở phía Nam Phú Quốc – là bằng một chuyến tàu gỗ với thời gian dài 45 phút. Không có dịch vụ gì trên các đảo nhỏ này. Ngày nay, họ nhìn thấy toàn bộ vùng biển từ trên cáp treo Hòn Thơm, hay những bờ cát nguyên sơ của đất nước.
“Làm đẹp những vùng đất” theo quan niệm của Sun Group không chỉ là bổ sung vào khung cảnh những quần thể kiến trúc được thiết kể tỉ mỉ bởi các kiến trúc sư hàng đầu. Đó còn là việc cho phép con người tiếp cận với hệ sinh thái, với khung cảnh và những nền văn hóa khác. Tóm lại, nói như Proust, “có một con mắt khác để nhìn ngắm thế giới”.
Không ngẫu nhiên mà trong số các hệ thống cáp treo của Sun Group, ngoài Bà Nà vốn là biểu tượng, thì cáp treo lên núi Bà Đen là nơi thu hút đông khách thăm quan nhất. Ngọn núi ấy nằm giữa một vùng đồng bằng rộng lớn, nơi có nhiều thế hệ người Việt đã sinh sống mà chưa một lần được nhìn đất nước từ trên cao, chỉ có những cánh đồng bằng phẳng ngút tầm mắt. Khung cảnh vẫn ở đó, nhưng người ta có thể làm nó đẹp hơn, bằng những góc nhìn khác.
Ông Đặng Minh Trường tâm sự rằng, cả khi cáp treo Bà Nà khai trương được vài tháng, ông vẫn không ngừng quan ngại về dự án. Nhưng thứ đầu tiên khiến vị Chủ tịch HĐQT Sun Group nhận ra rằng họ đã thành công, là một buổi chiều trên đỉnh Bà Nà, khi tận mắt chứng kiến “mây ngũ sắc” trên đỉnh núi.
“Du lịch mang lại những trải nghiệm. Trải nghiệm mang lại hạnh phúc”, ông Trường mô tả ngắn gọn về sứ mệnh của Sun Group. “Đến cuối cùng thì ai cũng tìm kiếm hạnh phúc”.